HỎI ĐÁP THÁNG 5.2024
HỎI ĐÁP THÁNG 5.2024
Câu hỏi 1 : Anh/ chị cho em hỏi nguồn thu tài chính công đoàn cơ sở được sử dụng và phân bổ như thế nào?
Trả lời :
Theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 01 tháng 3 năm 2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành quy định thu, chi, quản lý tài chính, tài sản tại Công đoàn cơ sở và Quyết định số 8108/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc phân phối đoàn phí công đoàn cho các cấp công đoàn thì nguồn thu tài chính công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng và phân bổ cho các khoản mục chi như sau:
1.Công đoàn cơ sở được sử dụng 75 % nguồn kinh phí công đoàn; 70% nguồn thu đoàn phí công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 100% tổng số thu khác của đơn vị theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.
2. Phân bổ nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng cho các khoản, mục chi sau:
- Chi lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn tối đa 45% nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng. Trong trường hợp thiếu, công đoàn cơ sở phải xem xét giảm đối tượng, mức chi phụ cấp cán bộ công đoàn cho phù hợp với nguồn tài chính được phân bổ.
- Chi thăm hỏi đoàn viên công đoàn tối thiểu 40% nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng.
- Chi khác tối đa 15% nguồn thu đoàn phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng.
3. Phân bổ nguồn thu kinh phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng cho các khoản, mục chi sau:
- Chi trực tiếp chăm lo, bảo vệ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đoàn viên và người lao động tối thiểu 60% nguồn thu kinh phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng. Tại những đơn vị có quan hệ lao động phức tạp, công đoàn cơ sở dành tối thiểu 25% nguồn kinh phí của mục chi này để dự phòng cho hoạt động bảo vệ đoàn viên, người lao động; sau 2 năm liền kề không sử dụng có thể chuyển sang chi cho các nội dung thuộc mục chi này.
- Chi tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động tối đa 25% nguồn thu kinh phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng.
- Chi quản lý hành chính tối đa 15% nguồn thu kinh phí công đoàn công đoàn cơ sở được sử dụng.
4. Các nội dung được quy định tỷ lệ chi tối đa nếu không chi hết bổ sung cho các nội dung chi có tỷ lệ tối thiểu.
5. Nguồn thu khác: Công đoàn cơ sở quyết định việc phân bổ cho các khoản mục chi, mức chi và đối tượng công đoàn cơ sở được phép bổ sung ngoài các đối tượng đã được quy định theo Điều 6 Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 01 tháng 3 năm 2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Câu 2: Anh/Chị cho em hỏi các trường hợp chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời?
Trả lời: Theo quy định tại Mục 9.2 Hướng dấn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định các trường hợp chỉ định ban chấp hành lâm thời như sau:
Công đoàn cấp trên trực tiếp có quyền chỉ định Ban Chấp hành lâm thời công đoàn cấp dưới và các chức danh trong cơ quan Thường trực của Ban Chấp hành lâm thời công đoàn (bằng văn bản) trong các trường hợp sau:
- Khi quyết định thành lập tổ chức công đoàn.
- Khi quyết định hợp nhất, nâng cấp, hạ cấp, chia tách, sáp nhập tổ chức công đoàn.
- Khi Ban Chấp hành công đoàn bị kỷ luật bằng hình thức giải tán.
- Khi không tổ chức được Đại hội theo quy định.
- Khi không tổ chức được Hội nghị đại biểu, Hội nghị toàn thể, Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng theo Mục 7 của Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020.
Thời gian hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời công đoàn không quá 12 tháng. Trường hợp quá 12 tháng chưa tổ chức được Đại hội thì Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định bằng văn bản cho phép kéo dài thời gian hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời không quá 6 tháng, hoặc chấm dứt hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời cũ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời mới.
Khi giải thể tổ chức công đoàn thì Ban Chấp hành, Uỷ ban kiểm tra công đoàn chấm dứt hoạt động./.
Tư vấn viên: Dương Thị Lộc- Phó chủ nhiệm UBKT.
Câu hỏi 3: Anh/ chị cho em hỏi: Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động thì có bao nhiêu hành vi bị nghiêm cấm, gồm những hành vi nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì có 07 hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm những hành vi sau:
- Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.
- Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
- Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động.
- Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.
- Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
- Nghiêm cấm trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.
Câu hỏi 4: Anh/ chị em hỏi: Người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên nghỉ ốm đau dài ngày thì thời gian nghỉ ốm đau dài ngày có tính ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau cần chữa trị dài ngày như sau:
- Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
- Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
- Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Do vậy, người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên nghỉ việc do ốm đau dài ngày nếu không mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thì thời gian hưởng chế độ ốm đau tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần. Còn nếu người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ y tế ban hành thì tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Tư vấn viên: Nguyễn Thị Lan- Ban Chính sách- Pháp luật và QHLĐ.