Hỏi đáp tháng 9.2024
Hỏi đáp Tháng 9
Câu hỏi 1: Anh/chị, cho em hỏi, em vừa vào công ty thuộc KCN Quế Võ, em đang làm ca từ 20h hôm trước đến 8h sáng ngày hôm sau, vậy thời gian làm việc vào ban đêm được tính từ lúc nào và tiền lương lương làm việc vào ban đêm thì được tính như nào?
Trả lời
Theo Điều 106, Bộ Luật lao động 2019 quy định về Giờ làm việc ban đêm như sau: Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định cách tính tiền lương vào ban đêm như sau:
1. Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, tiền lương làm việc vào ban đêm được tính như sau:
Tiền lương làm việc vào ban đêm |
= |
Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường |
+ |
Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường |
x |
Mức ít nhất 30% |
x |
Số giờ làm việc vào ban đêm |
Trong đó:
Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, được xác định bằng tiền lương thực trả của công việc đang làm của tháng hoặc tuần hoặc ngày mà người lao động làm thêm giờ (không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định; tiền thưởng theo quy định, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động) chia cho tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng hoặc tuần hoặc ngày người lao động làm thêm giờ (không quá số ngày làm việc bình thường trong tháng và số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, 01 tuần theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn và không kể số giờ làm thêm);
2. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, tiền lương làm việc vào ban đêm được tính như sau:
Tiền lương làm việc vào ban đêm |
= |
Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường |
+ |
Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường |
x |
Mức ít nhất 30% |
x |
Số sản phẩm làm vào ban đêm |
Câu hỏi 2: Anh/ chị cho em hỏi: Em ký hợp đồng lao động không xác định xác định thời hạn và đã có thời gian làm việc cho công ty được 36 tháng, nay em và công ty có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định. Vậy em có được hưởng trợ cấp thôi việc không?
Trả lời:
Theo khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019: Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định về Trợ cấp thôi việc: trường hợp hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp theo quy định.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật lao động 2019 quy định: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trợ cấp thôi việc thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Vì vậy, theo quy định nêu trên, Bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc từ người sử dụng lao động là mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương trừ thời gian làm việc đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tư vấn viên: Nguyễn Văn Huy, Chuyên viên Ban CSPL và QHLĐ
Câu 3: Anh/ chị cho em hỏi: Năm nay em nghỉ hưởng chế độ thai sản 06 tháng, vậy em có được nghỉ hằng năm không?
- Theo quy định của pháp luật thì nghỉ thai sản là một trong các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.
- Nghỉ hằng năm là một trong những chế độ nghỉ ngơi của người lao động được pháp luật quy định để tái tạo lại sức lao động.
Theo Điều 113, Bộ luật Lao động 2019 quy định nghỉ hằng năm:
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Tại khoản 7 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định: Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động:
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, theo quy định nêu trên, trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 06 tháng của bạn vẫn tính là thời gian làm việc để được tính ngày nghỉ hằng năm.
Câu 4: Anh/ chị cho em hỏi: em đi làm và tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ từ năm 2010 đến nay. Năm 2012 đến 2016, em sinh cháu thứ nhất và thứ 2 đã được hưởng đầy đủ chế độ thai sản theo quy định. Hiện nay, em đang mang thai cháu thứ 3 và dự kiến sẽ sinh vào cuối năm 2024. Em không biết khi mang thai và sinh cháu thứ 3 em có được hưởng chế độ thai sản không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH 2014, điều kiện hưởng chế độ thai sản đối được quy định như sau:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
Như vậy, Bạn đóng BHXH đầy đủ và đủ điều kiện thì được hưởng chế độ thai sản không giới hạn số lần được hưởng.
Tư vấn viên: Lâm Thị Mây, Chuyên viên Ban Tuyên giáo- Nữ Công