Hỏi đáp tháng 7

10/07/2024 17:37 View Count: 25

Hỏi đáp tháng 7

Câu hỏi 1: Anh/ chị cho em hỏi việc thực hiện công khai tài chính, tài sản công đoàn tại công đoàn cơ sở được quy định như thế nào?

Trả lời:

 Theo khoản 2 mục II Hướng dẫn 42/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của Tổng Liên đoàn về công khai tài chính, tài sản công đoàn tại công đoàn cơ sở như sau:

Chủ tịch công đoàn cấp cơ sở/Chủ tịch công đoàn cơ sở thành viên/Tổ trưởng tổ công đoàn được phân cấp chi thực hiện công khai tài chính, tài sản công đoàn của cấp mình như sau:

- Công khai dự toán, quyết toán thu, chi tài chính công đoàn (năm)

+ Nội dung công khai: Theo Biểu số 11a/CK-TLĐ, Biểu số 11b/CK-TLĐ và Biểu số 11c/CK-TLĐ.

+ Phạm vi, hình thức và thời điểm công khai

Báo cáo dự toán, báo cáo quyết toán thu, chi tài chính công đoàn sau khi được công đoàn cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt, kể cả phần điều chỉnh trong năm (nếu có) phải được công khai tại hội nghị ban chấp hành công đoàn cùng cấp trong kỳ họp gần nhất.

Khuyến khích BCH Công đoàn cơ sở xem xét công khai thu, chi tài chính công đoàn cơ sở hàng tháng và được quy định cụ thể trong quy chế quản lý tài chính nội bộ của CĐCS.

- Công khai các khoản vận động thu, nộp quỹ xã hội từ thiện

+ Công đoàn cơ sở huy động thu, nộp quỹ xã hội từ thiện khi có văn bản kêu gọi hoặc cho phép của cơ quan có thẩm quyền gồm Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn, các quỹ xã hội từ thiện thành lập theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc tự nguyện, và phải thực hiện công khai như sau:

+ Nội dung công khai: Theo Biểu số 12/CK-TLĐ

Danh sách, số tiền từng cá nhân (nếu thu trực tiếp từng cá nhân) hoặc danh sách, số tiền từng tổ công đoàn, từng bộ phận, từng tổ chức nộp.

Danh sách, số tiền đã nộp về cơ quan có thẩm quyền kêu gọi.

Danh sách cá nhân hoặc đơn vị thụ hưởng trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền ủy quyền cho CĐCS chi trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng.

Phạm vi, hình thức và thời điểm công khai: Công khai đến đối tượng huy động và công khai tại Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn hàng năm của đơn vị.

Câu 2: Anh/chị cho em hỏi tài chính công đoàn được thu từ những nguồn nào? Biên bản bàn giao tài chính theo mẫu tại quy định hướng dẫn nào?

Điều 26, Luật Công đoàn 2012 quy định Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

          1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

          2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;

          3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;

          4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

* Biên bản bàn giao tài chính công đoàn

Biên bản bàn giao tài chính công đoàn hiện nay được sử dụng theo Mẫu số: C18-TLĐ tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Hướng dẫn 47/HD-TLĐ ngày 30/12/2021 của Tổng Liên đoàn về thực hiện quy chế quản lý tài chính, tài sản công đoàn và chế độ kế toán đối với Công đoàn cơ sở.

Tư vấn viên: Nguyễn Thị Quỳnh – Ban Tổ chức Kiểm tra

Câu hỏi 3: Anh/chị cho hỏi: Tôi được Công ty đóng bảo hiểm 8 tháng, sau đó nghỉ thai sản 6 tháng nhưng tôi không thể đi làm lại được và đã xin Công ty cho nghỉ việc. Vậy xin hỏi tôi có được nhận trợ cấp thất nghiệp không? cách tính bảo hiểm thất nghiệp cụ thể như thế nào?

Trả lời:

 Theo Khoản 2 Điều 49 Luật Việc làm quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn, hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

Do vậy trường hợp của bạn không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp do không đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng theo quy định nêu trên. Thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian có đóng bảo hiểm thất nghiệp.

 Theo khoản 1, 2 Điều 50 Luật Việc làm quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Câu hỏi 4: Anh / chị cho em biết các hành vi nào bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động?

Trả lời:

 Theo Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động như sau:

- Phân biệt đối xử trong lao động.

- Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.

- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

 - Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.

- Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

- Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.

Tư vấn viên: Nguyễn Thị Bích Liên- Phó Ban Chính sách- Pháp luật và QHLĐ

bn-current-user-online-portlet

Online : 2894
Total visited : 150766238