CÂU HỎI THÁNG 04 NĂM 2024

24/04/2024 17:10 View Count: 77

CÂU HỎI THÁNG 04 NĂM 2024

Câu 1: Anh/chị cho em hỏi: Theo quy định của Công đoàn thì Công đoàn cơ sở có trên 40 đoàn viên phải có số lượng ủy viên Ban Chấp hành là bao nhiêu?

Trả lời:

Theo tiết 9.1 mục 9 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày ngày 20/2/2020. Số lượng ủy viên ban chấp hành công đoàn cấp nào do đại hội, hội nghị công đoàn cấp đó quyết định, đối với số lượng ủy viên BCH Công đoàn cơ sở quy định như sau:

- Ban chấp hành công đoàn cơ sở từ 03 đến 15 ủy viên. Nơi có từ 3.000 đoàn viên trở lên có thể tăng thêm nhưng không quá 19 ủy viên.

- Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành viên từ 03-15 ủy viên.

- Ban chấp hành công đoàn bộ phận từ 03- 07 ủy viên.

- Nơi có dưới 10 đoàn viên bầu chức danh chủ tịch (không bầu ban chấp hành).

Trường hợp cần tăng thêm số lượng ban chấp hành vượt quá số lượng đã được đại hội thông qua hoặc quy định về số lượng tối đa, phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý. Số lượng ban chấp hành tăng thêm không vượt quá 10% so với quy định trên.

Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn hỏi thì có thể thấy con số cụ thể về ủy viên Ban chấp hành do công đoàn cấp sơ sở quyết định là từ 03 đến 15 Uỷ viên theo quy định trên.

          Câu 2: Anh/chị cho Tôi hỏi: Phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở được chi cho những đối tượng nào? Phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở có dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội không?

          Trả lời:

          Căn cứ tại Điều 3 Quy định chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn các cấp ban hành kèm theo Quyết định 5692/QĐ-TLĐ ngày 08/12/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định:

          - Đối tượng chi phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở là:

           Chủ tịch công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có);

           Phó chủ tịch công đoàn cơ sở; công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có);

          Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở, ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có);

            Tổ trưởng, tổ phó công đoàn.

          * Phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở có dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội

          Căn cứ khoản 3 Điều 2 Quy định chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn các cấp ban hành kèm theo Quyết định 5692/QĐ-TLĐ ngày 08/12/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định:

          Phụ cấp trách nhiệm và phụ cấp kiêm nhiệm trong quy định này không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

          Vì vậy, phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội.

Tư vấn viên: Nguyễn Thị Quỳnh – Ban Tổ chức- Kiểm tra

            Câu 3. Sau khi tốt nghiệp, em được nhận vào làm việc tại một Công ty của Hàn Quốc có chi nhánh tại Việt Nam. Tính đến nay, em đã làm được 15 tháng. Vậy theo Bộ luật lao động hiện hành, thời gian nghỉ hằng năm của em được quy định như thế nào?

            Trả lời:

          Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật lao động năm 2019, thời gian nghỉ hằng năm của người lao động được quy định như sau:

          1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

          - 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

          - 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

          - 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

          2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

          3.Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

          4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

          5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ (khoản 3 Điều 101 của Bộ luật 2019).

          6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

            Theo khoản 1 Điều 66, Nghị định 145/2020 của Chính phủ:

          Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hàng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm.

            Câu 4.  Anh/ chị cho biết pháp luật quy định như thế nào về công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi?

          Trả lời:

           Theo Điều 147 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, như sau:

          Thứ nhất, cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc sau đây:

          - Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên;

          - Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác;

          - Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ;

          - Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc;

          - Phá dỡ các công trình xây dựng;

          - Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại;

          - Lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ;

          - Công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.

          Thứ hai, cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc ở các nơi sau đây:

          - Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm;

          - Công trường xây dựng;

          - Cơ sở giết mổ gia súc;

          - Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử;

          - Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.

          Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên và nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.

Tư vấn viên: Nguyễn Thị Bích Liên- Phó Ban Chính sách-PL &QHLĐ

bn-current-user-online-portlet

Online : 3696
Total visited : 151114256